Khai đạo phát triển Lịch_sử_đạo_Cao_Đài

Với sự liên hệ của ông Vương Quang Kỳ, giữa các nhóm hầu cơ bắt đầu có sự liên hệ qua lại. Ngày 21 tháng 2 năm 1926, trong một buổi cầu cơ tại nhà ông Kỳ, có mời các nhân vật có danh tiếng của các nhóm cầu cơ cùng đến dự, một bài thơ được lưu truyền là cơ giáng của Thượng đế, trong đó có tên của 13 người, về sau được tín đồ Cao Đài xưng tụng là những Cao đồ đầu tiên của đạo, với ông Ngô Văn Chiêu được tôn xưng Anh Cả:

"CHIÊU, KỲ, TRUNG độ dẫn HOÀI sanh,BẢN đạo khai SANG, QUÝ, GIẢNG thành,HẬU, ĐỨC, TẮC, CƯ Thiên Địa cảnh,Hườn, Minh, Mẫn đáo thủ đài danh."

Trong đó có tên của 2 ông Võ Văn Sang và Cao Hoài Sang cùng giáng 1 chữ. Ngoài ra còn có tên Hườn, Minh, Mẫn là ba nhân sĩ trí thức tham dự buổi cầu cơ.

Kể từ đó, những nền tảng giáo lý của Cao Đài được hoàn chỉnh dần và thống nhất giữa các tín đồ đầu tiên. Các thành viên tích cực[7], với nền tảng giáo lý và uy tín cá nhân đã truyền đạo và thu nạp thêm nhiều người. Số lượng tín đồ nhanh chóng phát triển lên hàng trăm người. Đàn cơ thường được tổ chức ở nhà ông Bản[8], về sau hình thành nên Thánh thất Cầu Kho, được xem là một trong những nhà đàn đầu tiên của đạo Cao Đài.

Việc phát triển số lượng tín đồ nhanh chóng đòi hỏi phải có người lãnh đạo với quyền vị chính thức. Vì vậy, giữa cuối tháng 4 năm 1926, thông qua việc giáng cơ, ông Chiêu được Cao Đài Tiên ông chỉ định làm Giáo tông và dạy bà Hiếu may sẵn bộ đạo phục riêng cho ông. Tuy nhiên, ông Chiêu từ chối ngôi vị Giáo tông, xuất tiền hoàn trả chi phí may đạo phục lại cho nhóm Phổ độ[9], và từ đó không tham gia cũng như không có liên quan gì đến các hoạt động phát triển của nhóm Cao Đài Phổ độ. Tuy vậy, các tín đồ Cao Đài thuộc các chi phái ngoài Tòa Thánh Tây Ninh ngày nay vẫn kính ngưỡng ông là Đệ Nhất Giáo tông[10].

Để có tư cách chính thức với chính quyền thực dân, ngày 29 tháng 9 năm 1926, với sự chứng kiến của một số nhân sĩ, chức sắc tôn giáo[11], ông Lê Văn Trung và Ông Lê Văn Lịch đã họp 247 tín đồ Cao Đài[12] tại nhà số 237bis đường Galliéni[13] để làm Tờ Khai tịch Đạo[14]. Ngày 7 tháng 10 năm 1926, các tín đồ gởi đến Thống đốc Nam Kỳ Le Fol một bản tuyên cáo khai đạo bằng tiếng Pháp với một phái đoàn gồm 28 tín đồ được Thượng đế chọn kèm theo tờ khai tịch đạo của 247 tín đồ.

Sau đó, các tín đồ này đã tổ chức 3 nhóm đi khắp Nam Kỳ để truyền đạo. Một số người Pháp cũng đến đàn Cầu Kho để tìm hiểu và gia nhập đạo. Và ngày Rằm tháng 10 năm Bính Dần (tức ngày 19 tháng 11 năm 1926), các tín đồ Cao Đài đã tổ chức lễ ra mắt rất long trọng tại chùa Gò Kén (tên chữ là Thiền Lâm Tự), Tây Ninh với sự hiện diện của quan chức chính quyền của cả người Pháp lẫn người Việt.